Chủ Nhật, 08-01-2023 01:04
img

Sự phát triển trong lĩnh vực bản quyền tác giả ở một số quốc gia khu vực Đông Nam Á

Chiều ngày 05 tháng 10 năm 2020, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) phối hợp với Cục Bản quyền tác giả Nhật Bản (JCO) tổ chức Hội thảo trực tuyến cho một số quốc gia khu vực Đông Nam Á: Việt Nam, Bru-nêi, Campuchia, Myanma Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Hội thảo tập trung thảo luận về sự phát triển trong lĩnh vực bản quyền và kinh nghiệm ứng phó cho phù hợp với chức năng, hoạt động của các cơ quan bản quyền do đại dịch Covit19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới.

 

Quang cảnh Hội thảo trực tuyến

Phát biểu về những phát triển gần đây trong lĩnh vực bản quyền ở cấp quốc gia, đại diện phía Nhật Bản cho biết, Nhật Bản mới ban hành Đạo luật Bản quyền sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 12 tháng 6 năm 2020. Đạo luật sửa đổi một phần Đạo luật bản quyền và Đạo luật về các quy định đặc biệt đối với việc đăng ký các tác phẩm chương trình máy tính. Đại diện phía Myanmar cho biết đã ban hành Luật Bản quyền mới vào ngày 24 tháng 5 năm 2019. Bên cạnh đó, Cục Quyền tác giả và Quyền liên quan Campuchia mới ban hành Luật sửa đổi Luật Quyền tác giả và Quyền liên quan, đang chuẩn bị xây dựng nghị định để thực thi Luật Quyền tác giả và Quyền liên quan. Campuchia gia nhập Hiệp ước Bắc Kinh về cuộc biểu diễn nghe nhìn vào ngày 27 tháng 3 năm 2019, gia nhập Công ước Berne về bảo hộ tác phẩm văn học và nghệ thuật vào ngày 27 tháng 6 năm 2020, thành lập CaniCos (Hiệp hội Âm nhạc Campuchia) vào ngày 31 tháng 12 năm 2019 và Campuchia đang chuẩn bị các thủ tục để gia nhập Hiệp ước về giới hạn và ngoại lệ cho người khiếm thị và người không có khả năng đọc được (Marrakesh).

 

Bà Phạm Thị Kim Oanh phát biểu tại Hội thảo trực tuyến

Đại diện cho Cục Bản quyền tác giả Việt Nam, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Việt Nam cho biết, hiện nay, Cục Bản quyền tác giả đang được Bộ Văn hóa, Thế thao và Du lịch giao là đơn vị chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng nội dung quyền tác giả, quyền liên quan trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, dự kiến sẽ xem xét thông qua tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XV vào tháng 6/2022. Song song với đó, Cục Bản quyền tác giả hiện cũng đang xây dựng hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền gia nhập các Hiệp ước quốc tế: Hiệp ước của WIPO về quyền tác giả (WCT), Hiệp ước của WIPO về biểu diễn và bản ghi âm (WPPT), Hiệp ước về giới hạn và ngoại lệ cho người khiếm thị và người không có khả năng đọc được (Marrakesh), dự kiến vào năm 2022 sẽ tham gia các Hiệp ước trên. Bên cạnh đó, bà Kim Oanh đã đề xuất WIPO hỗ trợ Việt Nam tham vấn trong việc hoàn thiện dự thảo nội dung quyền tác giả, quyền liên quan trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, đồng thời đề xuất WIPO hỗ trợ Việt Nam trong công tác phát triển nguồn nhân lực về mặt chuyên môn và kỹ thuật nhằm nâng cao công tác quản lý và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tại quốc gia.

Chia sẻ kinh nghiệm về cách điều chỉnh chức năng và hoạt động của các Văn phòng Bản quyền do Đại dịch,tất cả các quốc gia đều tích cực phòng chống Đại dịch Covid-19, thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội; cho cơ quan làm việc tại nhà, tổ chức họp, hội nghị, hội thảo qua hình thức trực tuyến hoặc chia cơ quan thành 2 nhóm và luôn phiên thay nhau, 1 nhóm làm việc ở nhà thì nhóm còn lại sẽ làm việc ở cơ quan, tránh mọi tiếp xúc của 2 nhóm (Nhật Bản); nhận và trả giấy chứng nhận quyền tác giả, quyền liên quan thông qua hình thức trực tuyến hoặc qua đường bưu điện (Việt Nam).

 

Đại diện của các quốc gia tham gia Hội thảo trực tuyến

Kết thúc Hội thảo, bà Gao Hang, Trưởng phòng Phát triển Bản quyền tác giả, lĩnh vực Công nghiệp Bản quyền và Sáng tạo, WIPO đã gửi tới các quốc gia tham gia Hội thảo danh sách tài liệu về Sở hữu trí tuệ và các chương trình học tập trực tuyến. Bà Gao Hang hy vọng các quốc gia sẽ tham gia các khóa học từ xa của WIPO, nhằm nâng cao năng lực và nhận thức về quyền tác giả, quyền liên quan, góp phần thúc đẩy bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại khu vực Đông Nam Á.

Lê Hương

img