Chủ Nhật, 08-01-2023 01:59
img

Hội thảo về thực thi quyền tác giả, quyền liên quan và Trưng bày truyện tranh của Nhật Bản

     Thực hiện Chương trình hợp tác về quyền tác giả, quyền liên quan giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản, Cục Bản quyền tác giả Việt Nam (COV) phối hợp với Cục Bản quyền tác giả Nhật Bản (JCO) tổ chức Hội thảo về Thực thi quyền tác giả, quyền liên quanvà Trưng bày truyện tranh của Nhật Bảnvào ngày 24, 25/11/2018 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Lễ cắt băng khai trương Hội thảo về Thực thi quyền tác giả, quyền liên quan và Trưng bày truyện tranh của Nhật Bản

     Tham dự sự kiện có đại diện các cơ quan quản lý, thực thi quyền tác giả, quyền liên quan; đại diện các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan của Việt Nam; các doanh nghiệp, cá nhân khai thác và sử dụng các tác phẩm;các chủ sở hữu quyền; các nhà sách, các nhà xuất bản, cán bộ, các báo cáo viên từ Cục Bản quyền tác giả, các văn phòng Luật sư về quyền tác giả, quyền liên quan, các bạn học sinh, sinh viên đến từ các trường đại học, cao đẳng cùng các cơ quan báo chí Việt Nam và các cán bộ, các báo cáo viên từ Cục Bản quyền tác giả Nhật Bản, Nhà xuất bản Shueisha Publishing Inc, Nhật Bản và Hiệp hội phân phối nội dung ở nước ngoài của Nhật Bản (CODA).

Ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Phát biểu khai mạc Hội thảo

     Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết: “Hội thảo về thực thi quyền tác giả, quyền liên quan do Cục Bản quyền tác giả Việt Nam và Cục Bản quyền tác giả Nhật Bản phối hợp tổ chức diễn ra vào thời điểm chúng ta vừa chứng kiến những sự kiện quan trọng trong lĩnh vực bản quyền tác giả. Đó là việc Ủy Ban Châu Âu trình Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) lên Nghị viện Châu Âu để các nước thành viên EU xem xét, phê chuẩn.  Kỳ họp Quốc hội Việt Nam vừa qua cũng đã xem xét, biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) gồm 11 nước, trong đó có Việt Nam. Quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng là một trong những nội dung quan trọng của hai Hiệp định trên. Đây là những FTA thế hệ mới với những tiêu chuẩn cao hơn so với các Hiệp định trước đây mà Việt Nam đã ký kết như các Công ước: Berne, Rome, Geneva, Brussels, Hiệp định TRIPS (WTO)…” Để thực thi các cam kết quốc tế trong lĩnh vực bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, đối với Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới thì yếu tố quan trọng đầu tiên là việc thực thi cóhiệu quả các điều ước quốc tế cũng như các quy định pháp luật có liên quan trên thực tế. Trong thời gian qua, Việt Nam đã liên tục hoàn thiện, bổ sung hệ thống chínhsách pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan nhằm đáp ứng những yêu cầu thực tiễn trong nước và quốc tế.

Quang cảnh Hội thảo

     Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe và cùng thảo luận về các quy định pháp luật, quản lý, thực thi và thực trạng bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam; các quy định pháp luật, quản lý, thực thi và thực trạng bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại Nhật Bản; các biện pháp chống vi phạm quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản tại Nhật bản; nỗ lực của CODA liên quan đến việc chặn website và đình chỉ quảng cáo (phiên bản IWL Nhật Bản) và bên cạnh đó cùng chia sẻ kinh nghiệmvới các chuyên gia Nhật Bản để đưa ra các khuyến nghị về mặt cơ chế, chính sách, hoàn thiện pháp luật từ đó góp phần thực thi có hiệu quả pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam.

Ông Phạm Thanh Tùng, Trưởng phòng Thông tin và Hợp tác quốc tế, Cục bản quyền tác giả phát biểu tại Hội thảo

     Đánh giá tổng quan về pháp luật, quản lý và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam, ông Phạm Thanh Tùng, Trưởng phòng Thông tin và Hợp tác quốc tế, Cục bản quyền tác giả cho rằng, hiện tại pháp luật quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam đã tương đối hoàn thiện, tiệm cận được với thế giới. Tuy nhiên, vẫn cần phải bổ sung, điều chỉnh kịp thời các quan hệ pháp luật mới, phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế. Hội thảo là dịp để học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong vấn đề bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay.

Ông Akihiko NODA, Phó trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cục Bản quyền tác giả Nhật Bản (JCO) phát biểu tại Hội thảo

     Đánh giá ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, ông Akihiko NODA, Phó trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cục Bản quyền tác giả Nhật Bản (JCO) cho rằng bản quyền là “quyền vô hình” và có ở khắp mọi nơi trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Chính vì vậy, việc sử dụng các tác phẩm có bản quyền cần trở thành nguyên tắc hoạt động trong cuộc sống của mỗi người. Ông Akihiko NODA cho biết, từ năm 2012 đến nay, Nhật Bản đã 3 lần sửa đổi Luật Bản quyền (vào các năm 2012, 2014 và 2018). Tại Nhật Bản, Luật Bản quyền hướng đến mục đích cung cấp quyền của tác giả và các quyền liên quan đến các công việc như biểu diễn, ghi âm, chương trình phát sóng và phát thông qua hệ thống cáp để bảo vệ quyền lợi của các tác giả… nhằm khai thác một cách công bằng và đúng đắn các sản phẩm văn hóa này. Từ đó, góp phần vào sự phát triển của văn hóa quốc gia.

Ông Atsushi ITO, Phụ trách Pháp chế, Nhà xuất bản Shueisha Publishing Inc Thuyết trình tại Hội thảo

    Về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực xuất bản, ông Atsushi ITO, Phụ trách Pháp chế, Nhà xuất bản Shueisha Publishing Inc cho biết Nhà xuất bản Shueisha là một trong những nhà xuất bản hàng đầu của Nhật Bản, mỗi năm Nhà xuất bản này đem về doanh là 100 triệu đô la. Tuy nhiên, hiện nay trên nhiều trang mạng xã hội của Nhật Bản và một số quốc gia khác đã vi phạm bản quyền các tác phẩm của Nhà xuất bản Shueisha. Ông Atsushi ITO nêu ra 4 loại ấn bản lậu thường gặp trên internet bao gồm: loại trang web, loại tải xuống, loại trang đăng video và loại SNS. Các hoạt động xâm phạm bản quyền đã làm cho tốc độ tăng trưởng của các hiệu sách truyện tranh, các ấn bản phát hành hàng tháng giảm xuống rõ rệt, doanh thu của Nhà xuất bản Shueisha bị giảm gần 20% trong các năm gần đây. Chính vì vậy, việc đưa ra các biện pháp đối phó với thực trạng trên là vô cùng quan trọng. Theo ông Atsushi ITO cần yêu cầu xóa bỏ, cảnh cáo trực tiếp đến người làm bản lậu; yêu cầu xóa bỏ, cảnh cáo đến dịch vụ, máy chủ mà người làm bản lậu sử dụng. Tại Nhật Bản, từ khoảng năm ngoái đến nay, trong nước Nhật có 4 vụ bắt người điều hành trang ấn bản lậu. Bên cạnh đó, Nhật Bản còn phối hợp với các quốc gia khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia để bắt giữ các trường hợp điều hành các trang ấn bản lậu. Ông Atsushi ITO cho rằng, vì mục đích của pháp luật bảo hộ bản quyền là nhằm thúc đẩy sự phát triển văn hóa thì hành vi xâm phạm đương nhiên đã kìm hãm sự phát triển của mỗi quốc gia. Tại Nhật Bản, mỗi hành vi xâm phạm bản quyền tác giả khi bị phát hiện đều bị phạt rất nặng.

Ông Masaharu INA, Trưởng phòng hợp tác quốc tế, Hiệp hội Xúc tiến phân phối nội dung ở nước ngoài của Nhật Bản (CODA) phát biểu tại Hội thảo

     Giới thiệu đến việc chặn website và đình chỉ quảng cáo, ông Masaharu INA, Trưởng phòng hợp tác quốc tế, Hiệp hội Xúc tiến phân phối nội dung ở nước ngoài của Nhật Bản (CODA) cho biết CODA là tổ chức tư nhân thành lập với mục đích xúc tiến triển khai ngành công nghiệp nội dung của Nhật Bản như âm nhạc, phim ảnh, phim hoạt hình, chương trình phát sóng truyền hình, game… ra nước ngoài. Những năm gần đây, CODA vừa tiến hành liên kết với các cơ quan chính phủ, đoàn thể ngành, công ty liên quan đến nội dung (người sở hữu nội dung)… trong và ngoài Nhật Bản, vừa triển khai các hoạt động liên quan đến biện pháp chống sao chép trái phép. CODA luôn đồng hành cùng người sở hữu nội dung nhằm đưa ra các biện pháp chống sao chép trái phép, các biện pháp chống phát tin vi phạm pháp luật và xóa bỏ nội dung bất hợp pháp tự động.

     Diễn đàn diễn ra sôi nổi với những câu hỏi thảo luận xoay quanh các vấn đề về các chế tài xử lý vi phạm bản quyền đối với các ấn bản lậu, các biện pháp ứng phó, ngăn chặn các hành vi xâm phạm bản quyền tại Việt Nam và các bài học kinh nghiệm từ Nhật Bản.

     Phát biểu bế mạc Diễn đàn, ông Bùi Nguyên Hùng Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả nhấn mạnh bảo hộ quyền tác giả sẽ tạo nguồn thu hợp pháp cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, từ đó tạo ra niềm tin cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm để tạo ra nhiều tác phẩm mới tới công chúng. Những kinh nghiệm về giải pháp thực thi bản quyền trong thực tiễn, giải pháp truyền thông nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, các chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin từ Hội thảo sẽ mở ra nhiều cánh cửa cho công tác quản lý, thực thi bản quyền tại Việt Nam, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa Việt Nam với Nhật Bản, quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh này. Đây sẽ là cơ hội tốt để Chương trình hợp tác giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng thiết thực, hiệu quả và đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của hai quốc gia./.

             Một số hình ảnh tại các gian trưng bày truyện tranh Nhật Bản:

Các đại biểu và khách mời tại Lễ Khai mạc sự kiện

Trưng bày truyện tranh Nhật Bản tại thư viện Quốc gia Việt Nam

Trưng bày truyện tranh thu hút đông đảo bạn đọc

Mini game tại gian trưng bày truyện tranh Nhật Bản

Lê Hương

img