Chủ Nhật, 08-01-2023 01:23
img

Hội thảo về Thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam

Trong những năm qua, hệ thống các quy định pháp luật Việt Nam về quyền tác giả, quyền liên quan từng bước được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện đáp ứng yêu cầu thực thi trong nước và hội nhập quốc tế. Các cam kết tham gia các điều ước quốc tế đang có hiệu lực tại Việt Nam và các Hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP có hiệu lực thi hành tại Việt Nam từ ngày 14/1/2019) đã và đang từng bước được thực hiện, bảo vệ được quyền lợi của công dân Việt Nam và thực hiện nghĩa vụ pháp lý quốc tế khi sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng.  

Để tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành các quy định pháp luật về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan và tìm ra các giải pháp hữu hiệu, tăng cường hiệu quả thực thi quyền tác giả, quyền liên quan, Cục Bản quyền tác giả (COV) phối hợp với Hiệp hội phân phối nội dung ở nước ngoài của Nhật Bản (CODA) tổ chức Hội thảo về thực thi quyền tác giả, quyền liên quan vào ngày 9/8/2019 tại Hà Nội.

Tham dự Hội thảo có đại diện các cơ quan quản lý, thực thi quyền tác giả, quyền liên quan; đại diện các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan; các tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan; các doanh nghiệp khai thác, sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng; cán bộ và các báo cáo viên từ Cục Bản quyền tác giả và từHiệp hội phân phối nội dung ở nước ngoài của Nhật Bản (CODA), Hiệp hội phần mềm Video Nhật Bản (JVA).

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe và thảo luận về các quy định pháp luật và thực trạng bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam; các biện pháp chống vi phạm bản quyền trên Internet tại Nhật Bản; các hoạt động ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền và xúc tiến phân phối nội dung có bản quyền của CODA bên cạnh đó cùng chia sẻ kinh nghiệm với các chuyên gia Nhật Bản về các giải pháp nhằm nâng cao năng lực quản lý và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan ở Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả phát biểu Khai mạc Hội thảo

Phát biểu tại lễ khai mạc Hội thảo, ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả nhấn mạnh: “Kỷ nguyên số và Internet đã và đang đem lại cho chúng ta nhiều cơ hội, dễ dàng tiếp cận đến tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng vào bất kỳ thời gian nào, địa điểm nào do chúng ta tự lựa chọn nhưng cũng đặt ra cho chúng ta những thách thức làm thế nào để bảo hộ được quyền tác giả, quyền liên quan nói chung và quyền của tổ chức phát sóng nói riêng trong môi trường số, internet.” Cục trưởng khẳng định: “Bên cạnh những nỗ lực và kết quả đã đạt được, hoạt động thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, tình trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan còn diễn ra ở các lĩnh vực với những hình thức và mức độ vi phạm khác nhau. Điều này đã và đang là thách thức đối với hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng và hoạt động phát triển công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa nói chung của đất nước.”

Ông Phạm Thanh Tùng, Trưởng phòng Thông tin và Hợp tác quốc tế, Cục Bản quyền tác giả thuyết trình tại Hội thảo

Giới thiệu về Hệ thống pháp luật – quản lý – thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam, ông Phạm Thanh Tùng, Trưởng phòng Thông tin và Hợp tác quốc tế, Cục Bản quyền tác giả cho biết: Việt Nam đã tham gia 3 Hiệp định song phương, 5 Điều ước quốc tế đa phương, 5 Hiệp định kinh tế, thương mại tự do khu vực và 5 Hiệp định kinh tế, thương mại tự do. Hiện tại, Việt Nam đang trong giai sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành về phần quyền tác giả, quyền liên quan nhằm tách phần quyền tác giả, quyền liên quan thành luật riêng phù hợp với thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, Việt Nam đang dự thảo, hoàn thiện hồ sơ gia nhập 2 Hiệp ước của WIPO: Hiệp ước về Quyền tác giả (WCT) và Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm (WPPT). Về hệ thống quản lý và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan, chúng ta đang từng bước áp dụng số hóa tài sản quyền tác giả, quyền liên quan; từng bước áp dụng phần mềm Chính phủ điện tử trong quản lý bộ máy nhà nước trong từng đơn vị cũng như trong việc bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan; đồng thời cần tăng cường năng lực giữa các cơ quan thực thi quyền tác giả, quyền liên quan.

Ông Shun Takagi, Trưởng phòng Pháp chế và Kinh doanh, Hiệp hội phần mềm Video Nhật Bản (JVA) thuyết trình tại Hội thảo

          Thuyết trình về các biện pháp chống vi phạm bản quyền trên internet tại Nhật Bản, ông Shun Takagi, Trưởng phòng Pháp chế và Kinh doanh, Hiệp hội phần mềm Video Nhật Bản (JVA) cho biết, hiện nay doanh thu bán hàng của các nhà sản xuất là thành viên JVA năm 2018 khoảng 180 tỷ yên, số lượng cửa hàng thành viên hệ thống cho thuê video JVA tính đến ngày 1/7/2019 là 2.681 cửa hàng. Hiện nay, JVA đang đẩy mạnh các biện pháp chống vi phạm bản quyền trên internet, điển hình như: kiểm soát toàn bộ các vi phạm luật bản quyền lạm dụng phần mềm chia sẻ tệp trên internet, thúc đẩy việc tải lên P2P, yêu cầu xóa trang web UGC (trang web cho phép người dùng đăng), tự động tuần tra bằng vân tay, chặn các trang web lậu, vi phạm bản quyền và JVA luôn thúc đẩy hợp tác quốc tế với các quốc gia khác trong việc ngăn chặn vi phạm bản quyền trên internet.

Ông Masaharu Ina, Trưởng phòng Bảo vệ bản quyền ở nước ngoài (CODA) thuyết trình tại Hội thảo

          Ứng phó với việc xâm phạm bản quyền trên internet là một trong những việc làm cấp bách không chỉ của một quốc gia mà cần có sự liên kết, hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới.       Thuyết trình về việc ứng phó với việc xâm phạm bản quyền của CODA và các hành động xúc tiến kênh phân phối thông tin, ông Masaharu Ina, Trưởng phòng Bảo vệ bản quyền ở nước ngoài (CODA) cho biết CODA là tổ chức tư nhân thành lập với mục đích xúc tiến triển khai ngành công nghiệp nội dung của Nhật Bản như âm nhạc, phim ảnh, phim hoạt hình, chương trình phát sóng truyền hình, game… ra nước ngoài. Trong hoạt động ứng phó xâm phạm bản quyền, CODA là trung tâm giám sát và xóa nội dung tự động. Bắt đầu từ năm 2016, CODA đã thử nghiệm kiểm chứng giám sát bằng con người (trực quan), tạo FP (tiếp nhận qua không gian) từ phát sóng truyền hình và FP âm thanh trong việc giám sát và tự động xóa bỏ nội dung bất hợp pháp trên internet. Số lượng người yêu cầu vận hành thông báo xóa trên các web và số lượng đã xóa những nội dung bất hợp pháp chiếm tỷ lệ trên 99%, có nhiều trang web tỷ lệ xóa đạt 100%. Song song với các biện pháp ứng phó xâm phạm bản quyền, CODA đã thực hiện các biện pháp gián tiếp như: hiện thị các thông báo cảnh báo trên các trang web có nội dung bất hợp pháp, ngăn chặn hiện thị kết quả tìm kiếm (chặn hiển thị liên kết nội dung bất hợp pháp), yêu cầu xóa CDN (mạng phân phối nội dung), yêu cầu dừng đăng (hiện thị) quảng cáo, dùng xử lý thanh toán. Bên cạnh đó, hàng năm CODA kết hợp với Chính phủ, cơ quan quản lý bản quyền của các quốc gia tổ chức các cuộc hội thảo đào tạo, tuyên truyền cho người tiêu dùng.

Quang cảnh Hội thảo

Hội thảo diễn ra sôi nổi với những câu hỏi thảo luận xoay quanh các vấn đề về các chế tài xử lý vi phạm bản quyền đối với các trang wep lậu, các biện pháp ứng phó, ngăn chặn các hành vi xâm phạm bản quyền tại Việt Nam và các bài học kinh nghiệm từ Nhật Bản.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan sẽ tạo niềm tin cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm yên tâm sáng tác, tạo ra nhiều tác phẩm phổ biến tới công chúng. Những kinh nghiệm về giải pháp thực thi bản quyền trong thực tiễn, giải pháp truyền thông nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, các chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin từ Hội thảo sẽ mở ra nhiều cánh cửa cho công tác quản lý, thực thi bản quyền tại Việt Nam, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa Việt Nam với Nhật Bản, quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh này. Việt Nam sẽ sớm sửa đổi luật, tách luật bản quyền thành luật riêng đáp ứng yêu cầu thực thi trong nước và hội nhập quốc tế./.

Lê Hương

img