Chủ Nhật, 08-01-2023 01:28
img

Hội thảo về Hiệp ước của WIPO về quyền tác giả (WCT), Hiệp ước của WIPO về cuộc biểu diễn và bản ghi âm (WPPT), Hiệp ước Bắc Kinh về cuộc biểu diễn nghe nhìn (BTAP)

       Hệ thống các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam đã đáp ứng công tác bảo hộ và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tại quốc gia và hội nhập quốc tế. Các cam kết tham gia WTO của Việt Nam, các điều ước quốc tế đang có hiệu lực tại Việt Nam đã và đang từng bước được thực hiện có kết quả, bảo vệ được quyền lợi của công dân và thực hiện nghĩa vụ pháp lý khi sử dụng tác phẩm của công dân, pháp nhân các nước thành viên. Để thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam cam kết gia nhập hai Hiệp ước của WIPO: Hiệp ước của WIPO về quyền tác giả (WCT), Hiệp ước của WIPO về cuộc biểu diễn và bản ghi âm (WPPT).

       Thực hiện chương trình công tác năm 2019, Cục Bản quyền tác giả đã đề nghị với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) về việc tổ chức Hội thảo về Hiệp ước của WIPO về quyền tác giả (WCT), Hiệp ước của WIPO về cuộc biểu diễn và bản ghi âm (WPPT), Hiệp ước Bắc Kinh về cuộc biểu diễn nghe nhìn (BTAP). Hội thảo diễn ra vào ngày 11/4/2019 tại Hà Nội.

       Tham dự Hội thảo có đại diện các cơ quan quản lý, thực thi quyền tác giả, quyền liên quan; đại diện các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan của Việt Nam; các doanh nghiệp, cá nhân khai thác và sử dụng các tác phẩm; các nhà xuất bản, thư viện; cán bộ và các báo cáo viên từ Cục Bản quyền tác giả, các văn phòng Luật sư về quyền tác giả, quyền liên quan, các cơ quan báo chí Việt Nam và các chuyên gia WIPO.

Chủ trì Hội thảo

       Tại Hội thảo về các Hiệp ước của WIPO về quyền tác giả (WCT), Hiệp ước của WIPO về cuộc biểu diễn và bản ghi âm (WPPT), Hiệp ước Bắc Kinh về cuộc biểu diễn nghe nhìn (BTAP), các đại biểu sẽ nghe và thảo luận về tổng quan về hệ thống pháp luật quốc tế và sự phát triển công nghệ: các Hiệp ước của WIPO về quyền tác giả, quyền liên quan; các quy định pháp luật quốc tế và quốc gia về quyền của người biểu diễn; vai trò của nhà sản xuất bản ghi âm và các quy định pháp luật quốc tế và quốc gia về quyền của nhà sản xuất bản ghi âm và hệ thống pháp luật, quản lý và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan ở Việt Nam bên cạnh đó cùng chia sẻ kinh nghiệm với các chuyên gia WIPO để đưa ra các khuyến nghị về mặt cơ chế, chính sách, hoàn thiện pháp luật từ đó góp phần thực thi có hiệu quả pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trong thời gian tới.

       Phát biểu tại lễ khai mạc hội thảo, ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả nhấn mạnh: “Kỷ nguyên số và Internet đã và đang đem lại cho chúng ta nhiều cơ hội, dễ dàng tiếp cận đến tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng vào bất kỳ thời gian nào, địa điểm nào do chúng ta tự lựa chọn nhưng cũng đặt ra cho chúng ta những thách thức làm thế nào để bảo hộ được quyền tác giả, quyền liên quan nói chung và quyền của tổ chức phát sóng nói riêng trong môi trường số, internet.”

Ông Rafael Ferraz Vazquez, Phòng Pháp luật quyền tác giả, WIPO thuyết trình tại Hội thảo

       Tại Hội thảo, ông Rafael Ferraz Vazquez, Phòng Pháp luật quyền tác giả, WIPO cho biết, các Hiệp ước Internet và Hiệp ước Bắc Kinh cho phép các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam phát triển trong môi trường số: sử dụng xuyên quốc gia thông qua internet, bảo hộ bên ngoài biên giới quốc gia của mình, đảm bảo lợi ích từ sáng tạo trí tuệ của người sáng tạo và ngành công nghiệp. Các Hiệp ước internet tạo ra các nguyên tắc cho thị trường kỹ thuật số hiện tại về các quyền sử dụng trên internet và các quy định bảo hộ bằng biện pháp công nghệ. Việc chuyển giao quyền trong Hiệp ước Bắc Kinh cho phép người biểu diễn có các quyền tài sản được sở hữu, thực thi hoặc chuyển giao cho nhà sản xuất theo hợp đồng; thỏa thuận phải được lập thành văn bản.

Ông Alvaro Hernandez-Pinzon, Trưởng phòng Kế hoạch phân phối, Hiệp hội Nghệ sĩ biểu diễn Tây Ban Nha (AIE) thuyết trình tại Hội thảo

       Tại Hội thảo, ông Alvaro Hernandez-Pinzon, Trưởng phòng Kế hoạch phân phối, Hiệp hội Nghệ sĩ biểu diễn Tây Ban Nha (AIE) cho biết, tổng thu nhập của ngành công nghiệp âm nhạc năm 2018 đạt 17 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017. Sự gia tăng này chủ yếu là từ các dịch vụ phát trực tuyến chiếm 47% thị trường toàn cầu. Cũng theo ông Alvaro, để bảo vệ quyền cho các nghệ sỹ, Việt Nam nên gia nhập các Hiệp ước của WIPO về bảo vệ quyền của các nghệ sỹ: Rome, WPPT và Bắc Kinh; giới thiệu quyền thù lao cho người biểu diễn khi cuộc biểu diễn của họ được định hình trong bản ghi âm hoặc bản ghi âm ghi hình, đặc biệt là cho: phát sóng và truyền đạt tới công chúng, phổ biến tới công chúng; khuyến khích thành lập một tổ chức quản lý tập thể cho các nghệ sỹ, tổ chức này nên quản lý các quyền nhận thù lao được pháp luật công nhận.

Bà Candy Lam, Cố vấn và Quyền Giám đốc khu vực, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm quốc tế (IFPI) thuyết trình tại Hội thảo

       Đánh giá về vai trò của ngành công nghiệp sản xuất bản ghi âm và các quy định pháp luật quốc tế và quốc gia về quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, bà Candy Lam, Cố vấn và Quyền Giám đốc khu vực, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm quốc tế (IFPI) cho biết, IFPI là tiếng nói của ngành công nghiệp ghi âm trên toàn thế giới, đại diện lợi ích cho 1300 công ty thu âm trên toàn cầu. Bà Candy Lam nhấn mạnh, để ngành công nghiệp ghi âm phát triển cần: bản ghi có giá trị về âm nhạc, kinh tế, văn hóa, chất lượng đáp ứng nhu cầu của công chúng; khung pháp lý rõ ràng, đầy đủ, bảo đảm thực hiện; bảo đảm lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền và biện pháp pháp lý đủ mạnh khi có vi phạm xảy ra. Cũng theo bà Candy Lam, ba lý do để phê chuẩn WPPT: cung cấp đầy đủ sự bảo hộ cho các bản ghi âm trong nước và đảm bảo sự bảo hộ quốc tế của các bản ghi âm trong nước; gia tăng doanh thu cho các nghệ sĩ trong nước và vì lợi ích của ngành công nghiệp âm nhạc quốc gia.

Ông Phạm Thanh Tùng, Trưởng phòng Thông tin và Hợp tác quốc tế, Cục bản quyền tác thuyết trình tại Hội thảo

       Đánh giá tống quan về pháp luật, quản lý và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam, ông Phạm Thanh Tùng, Trưởng phòng Thông tin và Hợp tác quốc tế, Cục bản quyền tác giả cho rằng, hiện tại pháp luật quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam đã tương đối hoàn thiện, tiệm cận được với thế giới. Tuy nhiên, vẫn cần phải bổ sung, điều chỉnh kịp thời các quan hệ pháp luật mới, phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế… Hội thảo là dịp để học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong vấn đề bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay.

       Hội thảo về Hiệp ước của WIPO về quyền tác giả (WCT), Hiệp ước của WIPO về cuộc biểu diễn và bản ghi âm (WPPT), Hiệp ước Bắc Kinh về cuộc biểu diễn nghe nhìn (BTAP) nhằm chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong hoạt động quản lý và thực thi, góp phần thúc đẩy bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam; đồng thời đánh giá tác động về mặt kinh tế, văn hóa, xã hội để có thể hoàn thiện hồ sơ gia nhập Hiệp ước về quyền tác giả của WIPO (WCT) và Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm của WIPO (WPPT).

Lê Hương

img