Chủ Nhật, 08-01-2023 01:30
img

Hội thảo "Tham vấn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ”

Ngày 12/01/2021, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo "Tham vấn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ” nhằm lấy ý kiến về các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT).

Đến dự và chỉ đạo Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc, Phó Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật. Tham gia Hội thảo có lãnh đạo các đơn vị trực tiếp biên tập dự án Luật: ông Đinh Hữu Phí – Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ; ông Lê Hồng Phong – Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả và bà Trần Thị Hòa – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt. Hơn 150 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực thi, các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ đã tham dự Hội thảo.

 

Các Đại biểu chủ trì tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết ngày 10/6/2020, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 106/2020/QH14 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020. Theo đó, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021) và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 6/2022). Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã phân công Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng dự án Luật này. Việc sửa đổi, bổ sung Luật SHTT lần này nhằm thể chế hóa đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; xử lý các bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành; nội luật hóa các cam kết quốc tế, tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ cho hoạt động SHTT của Việt Nam.

 

 

Ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu khai mạc Hội thảo

Theo Thứ trưởng, việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật trong lĩnh vực SHTT lần này có vai trò rất quan trọng, góp phần hoàn thiện thêm một bước để đưa hệ thống SHTT của Việt Nam trở thành công cụ quan trọng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, là động lực của kinh tế tri thức, của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Do đó, trong giai đoạn này, chúng ta cũng cần tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và tranh thủ sự hỗ trợ về mặt chuyên môn từ các nước có hệ thống SHTT phát triển lâu đời và phù hợp với xu thế chung của thế giới để làm sao có thể nội luật hóa phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc là việc làm rất cần thiết. 

 

Ông Marcus Winsley, Phó Đại sứ Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len tại Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ông Marcus Winsley, Phó Đại sứ Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len tại Việt Nam, cho biết là một trong hai môi trường tổng thể về SHTT hàng đầu trên thế giới và đứng thứ 2 sau Hoa Kỳ về thực thi quyền SHTT, Vương quốc Anh mong muốn mở rộng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực SHTT và hỗ trợ Việt Nam tăng cường sự bảo đảm về mặt pháp lý cho các chủ thể quyền SHTT, đảm bảo SHTT đóng vai trò là chất xúc tác cho hoạt động đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bằng cách cung cấp tư vấn kỹ thuật và nâng cao năng lực liên quan đến các vấn đề pháp lý, thực tiễn và thực thi. Ông hy vọng các thảo luận tích cực từ các đại biểu tham dự Hội thảo ngày hôm nay sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin hữu ích cho việc sửa đổi, bổ sung Luật SHTT của Việt Nam ngày càng phù hợp hơn với các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế về SHTT và tin tưởng rằng mối quan hệ kinh tế và thương mại nói chung và SHTT nói riêng của Vương quốc Anh và Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển ngày càng vững mạnh hơn.

 

Quang cảnh Hội thảo

Điều hành Hội thảo, Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí cho rằng với vai trò là cơ quan được Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ giao nhiệm vụ, Cục SHTT đã phối hợp với Cục Bản quyền tác giả và Cục trồng trọt khẩn trương triển khai các công việc liên quan và đến nay, dự thảo Tờ trình Chính phủ về dự án Luật và Dự thảo số 2 của dự án Luật đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Để hoạt động lấy ý kiến về dự thảo Luật thêm hiệu quả, bên cạnh việc lấy ý kiến dưới hình thức văn bản, Cục SHTT, Cục Bản quyền tác giả và Cục Trồng trọt cũng đã và đang tổ chức một số hội thảo, tọa đàm để trực tiếp trao đổi và ghi nhận ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. 

 

Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, thuyết trình tại Hội thảo

Thuyết trình Các vấn đề sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, việc xây dựng nội dung quyền tác giả, quyền liên quan trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Sở hữu trí tuệ theo ba nhóm quan điểm chỉ đạo, sáu nhóm chính sách và 5 nhóm nội dung sửa đổi, bổ sung quyền tác giả, quyền liên quan như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung nhóm quy định về quyền tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền của người biểu diễn, quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, quyền của tổ chức phát song, chủ sở hữu quyền liên quan (Điều 20, 21, 22, 29, 30, 31, 36);

2. Sửa đổi quy định về giới hạn ngoại lệ quyền tác giả, quyền liên quan: về các trường hợp sử dụng không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao tại Điều 25 và Điều 32; về các trường hợp sử dụng không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao và bổ sung các trường hợp hưởng ưu đãi quyền dịch và quyền sao chép theo Công ước Berne tại Điều 26 và Điều 33;

3. Sửa đổi, bổ sung quy định về tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan phù hợp với Bộ luật Dân sự, pháp luật về hội và theo thông lệ quốc tế (Điều 56, 56a);

4. Sửa đổi, bổ sung quy định về đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan để thực hiện đăng ký trực tuyến theo cải cách thủ tục hành chính; quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan (Điều 49, 50, 52, 55);

5. Sửa đổi, bổ sung các quy định về hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số và quy định về thực thi trên môi trường số tại các Điều 28, 35, 198, 198a, 198b.

Về các vấn đề sửa đổi, bổ sung liên quan đến thực thi quyền trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan, ông Quản Tuấn An, Trưởng Phòng Quản lý quyền tác giả, quyền liên quan, Cục Bản quyền tác giả cho biết có 5 điều sửa đổi, bổ sung như sau: Điều 198: Quyền tự bảo vệ; Điều 198a: Giả định về quyền tác giả, quyền liên quan; Điều 198b: Quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian; Điều 211: Hành vi xâm phạm quyền SHTT bị xử phạt vi phạm hành chính và Điều 213: Hàng hóa giả mạo về SHTT.

 

Ông Quản Tuấn An, Trưởng Phòng Quản lý quyền tác giả, quyền liên quan, Cục Bản quyền tác giả thuyết trình tại
Hội thảo

Hội thảo đã nhận được hơn 50 lượt ý kiến đóng góp cho các các nội dung cụ thể của dự án Luật và hơn 30 lượt ý kiến đóng góp cho các các nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan. Theo đó, trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề về: việc cụ thể hóa các quyền tác giả, quyền liên quan; vấn đề cạn quyền; giới hạn, ngoại lệ quyền – các trường hợp không phải xin phép nhưng phải trả tiền; giới hạn ngoại lệ quyền – các trường hợp không phải xin phép, không phải trả tiền: trong giáo dục, nghiên cứu, thư viện, truyền thông, khuyết tật…; quy định về tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan như việc xây dựng, thỏa thuận, hiệp thương giá… và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số: trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ trung gian… Lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ, Cục Bản quyền tác giả và Cục Trồng trọt chủ trì Hội thảo đã đánh giá cao các ý kiến đóng góp và thảo luận của các đại biểu tham dự Hội thảo liên quan đến các vấn đề dự kiến sửa đổi trong dự án Luật trong cả ba lĩnh vực sở hữu công nghiệp, quyền tác giả, quyền liên quan và giống cây trồng. Các ý kiến đóng góp của các đơn vị, tổ chức cá nhân trong Hội thảo cũng như các ý kiến từ nhiều nguồn khác sẽ rất hữu ích cho việc hoàn thiện dự án Luật.

Việc sửa đổi các quy định pháp luật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ góp phần đưa sở hữu trí tuệ thành công cụ quan trọng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, là động lực của kinh tế tri thức, của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Qua đó, giúp tổ chức, doanh nghiệp có cơ sở pháp lý để thỏa thuận, ký kết với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan khi khai thác, sử dụng tác phẩm. Người dân thu được lợi ích từ việc tiếp cận và thụ hưởng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có giá trị nghệ thuật, tư tưởng cao cũng như có thêm cơ hội thụ hưởng thành quả công nghệ là kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN do Nhà nước đầu tư./.

Lê Hương

 

 

img