Chủ Nhật, 08-01-2023 01:49
img

Hội thảo Bảo hộ quyền của tổ chức phát sóng trong môi trường số

      Sáng ngày 19/9/2018, tại Hà Nội, Cục Bản quyền tác giả (COV) – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (K+) và Ủy ban Bản quyền tác giả Hàn Quốc (KCC) tổ chức Hội thảo về Bảo hộ quyền của tổ chức phát sóng trong môi trường số.

     Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các cục, vụ thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an; các đại diện đến từ các cơ quan quản lý, thực thi liên quan, các nhà nghiên cứu, các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, các doanh nghiệp khai thác, sử dụng chương trình phát sóng; cán bộ và các báo cáo viên từ Cục Bản quyền tác giả, từ Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông, Hội truyền thông số Việt Nam, Tập đoàn Canal+, Đài truyền hình Việt Nam, đại diện công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (K+), Ủy ban Bản quyền tác giả Hàn Quốc (KCC), đại diện Văn phòng xúc tiến Thương mại Hàn Quốc tại khu vực Đông Nam Á và Châu Đại Dương, Đài truyền hình SBS Contents Hub, Hàn Quốc.

     Hội thảo nhằm cung cấp các quy định pháp luật và thực trạng bảo hộ quyền của tổ chức phát sóng tại Việt Nam; bảo hộ quyền của tổ chức phát sóng trong môi trường số – giá trị của sự hiệp lực ở tầm quốc gia và quốc tế, kinh nghiệm từ K+ và Tập đoàn Canal+; những thách thức đối với bảo hộ các chương trình phát sóng trong môi trường số; những thách thức và biện pháp ứng phó – chiến lược quản lý bản quyền của SBS và giải pháp nâng cao hiệu quả bảo hộ quyền của tổ chức phát sóng trong môi trường số.

      Phát biểu tại lễ khai mạc hội thảo, ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả nhấn mạnh: “Kỷ nguyên số và Internet đã và đang đem lại cho chúng ta nhiều cơ hội, dễ dàng tiếp cận đến tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng vào bất kỳ thời gian nào, địa điểm nào do chúng ta tự lựa chọn nhưng cũng đặt ra cho chúng ta những thách thức làm thế nào để bảo hộ được quyền tác giả, quyền liên quan nói chung và quyền của tổ chức phát sóng nói riêng trong môi trường số, internet.” 

Ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả phát biểu khai mạc Hội thảo

      Là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực truyền hình số, Truyền hình K+ đã nỗ lực ứng dụng các công nghệ tiên tiến cung cấp cho khán giả Việt Nam dịch vụ truyền hình trả tiền đẳng cấp trên cả nền tảng DTH và OTT với chất lượng âm thanh và hình ảnh kĩ thuật số vượt trội. Đặc biệt, K+ còn là đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền đang sở hữu bản quyền phát sóng các giải thể thao hấp dẫn nhất hành tinh và có giá trị lớn như giải bóng đá Ngoại hạng Anh, 2 giải bóng đá hàng đầu Châu Âu là Champions League và Europa League; hệ thống các giải tennis ATP… Phát biểu tại hội thảo, ông Stephane Baumier, Phó Tổng Giám đốc Truyền hình K+ nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng, những hội thảo như thế này sẽ giúp nâng cao ý thức tôn trọng bản quyền với người sử dụng, đồng thời giúp các cơ quan chức năng và các đơn vị kinh doanh có được những giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm bản quyền, từ đó tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức phát sóng và cũng là đảm bảo quyền được tiếp cận và thụ hưởng các chương trình phát sóng hợp pháp có giá trị và đẳng cấp cho khán giả”. 

Ông Stephane Baumier, Phó Tổng Giám đốc Truyền hình K+ phát biểu tại Hội thảo

     Thuyết trình tại Hội thảo về quyền của tổ chức phát sóng, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông, Hội Truyền thông số Việt Nam đã đưa ra các khuyến nghị cho Việt Nam hiện nay: công nghệ phát hiện và xử lý vi phạm cần được ứng dụng rộng rãi hơn gắn với trách nhiệm của các nền tảng cung cấp platform và tăng cường trách nhiệm của các doanh nghiệp ISP bằng cách cho phép ISP chặn website, gỡ nội dung vi phạm và tăng cường pháp lý, vai trò của tòa án trong khiếu kiện về xử lý của ISP.  

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông, Hội Truyền thông số Việt Nam thuyết trình tại Hội thảo

      Tại Hội thảo, ông Vincent Helluy, Cố vấn, Bộ phận Đối tác Toàn cầu, Ban bảo vệ nội dung, Tập đoàn Canal+ cho rằng: việc hiệp lực ở tầm quốc gia và quốc tế tạo thành sức mạnh chính nhằm chống vi phạm bản quyền trong môi trường số. Ông Vincent Helluy đã đưa ra 7 bài học kinh nghiệm: xử lý các trang báo điện tử Việt Nam đăng tải đường link và cách để xem các trận thi đấu thể thao bất hợp pháp; xử lý với các kênh phát trực tiếp (live stream) vi phạm trên các hạ tầng mạng xã hội và các đường link bất hợp pháp trên các công cụ tìm kiếm; xử lý với các nhà cung cấp Hosting nước ngoài cung cấp các nội dung vi phạm bản quyền; giải quyết các vấn đề phức tạp thông qua các Liên minh bảo vệ nội dung khu vực và toàn cầu; tiến hành các thủ tục tố tụng pháp lý trong từng trường hợp, đấu tranh cho khung pháp lý phù hợp nhất để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và bài học cốt lõi chính là sự hợp tác, hợp tác giữa các cơ quan công quyền, thực thi pháp luật, các tổ chức phát sóng, các chủ sở hữu quyền, các liên minh ngành và các cơ quan trung gian.  

Ông Vincent Helluy, Cố vấn, Bộ phận Đối tác Toàn cầu, Ban bảo vệ nội dung, Tập đoàn Canal+ thuyết trình tại Hội thảo

      Với bài thuyết trình về những thách thức đối với bảo hộ các chương trình phát sóng trong môi trường số, ông Nguyễn Thanh Vân, Trưởng bộ phận Sở hữu trí tuệ, Ban Kiểm tra, Đài truyền hình Việt Nam cho rằng: thế mạnh nội dung tạo nên vai trò xã hội của Đài truyền hình Việt Nam trong hệ thống truyền hình, việc giữ gìn thế mạnh nội dung, khai thác và bảo vệ bản quyền sẽ đưa đến cho VTV khả năng cạnh tranh vượt trội. Theo ông Nguyễn Thanh Vân, hiện nay bản quyền VTV đang bị vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt trên Internet. Chính vì vậy, việc đưa ra các giải pháp nhằm ngăn chặn những hành vi xâm phạm bản quyền các chương trình phát sóng là rất cần thiết và quan trọng. 

Bà Celine Boyler, Trưởng Ban bảo vệ nội dung, CISO, Tập đoàn Canal+ thuyết trình tại Hội thảo

    Hội thảo diễn ra sôi nổi với những câu hỏi thảo luận xoay quanh các vấn đề về các biện pháp ứng phó, ngăn chặn các hành vi xâm phạm bản quyền các chương trình phát sóng tại Việt Nam, các bài học kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới. Hội thảo Bảo hộ quyền của tổ chức phát sóng trong môi trường số nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành các quy định pháp luật về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó có quyền của tổ chức phát sóng đồng thời đưa ra các giải pháp hữu hiệu, tăng cường hiệu quả hoạt động chống vi phạm bản quyền trong môi trường số.  

ảnh: Lê Hương

     Hội thảo Bảo hộ quyền của tổ chức phát sóng trong môi trường số là một hoạt động thiết thực, hiệu quả và đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, thúc đẩy phát triển công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa của quốc gia.

Lê Hương

img