Chủ Nhật, 08-01-2023 01:16
img

Hội nghị tập huấn phổ biến các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan trong Hiệp định CPTPP và pháp luật Việt Nam khu vực phía Bắc

          Đẩy mạnh tuyên truyền và phổ biến các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan là một trong những hoạt động thiết thực trong công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan hiện nay tại Việt Nam. Sáng ngày 22/03/2018, Cục Bản quyền tác giả tổ chức Hội nghị tập huấn phổ biến các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan trong Hiệp định CPTPP và pháp luật Việt Nam khu vực phía Bắc tại Khách sạn La Thành, Hà Nội.

           Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ các cục, vụ thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các Sở Văn hóa, Thể thao khu vực phía Bắc, các sở ban ngành Thành phố Hà Nội; các cơ quan quản lý, thực thi quyền tác giả, quyền liên quan; các nhà nghiên cứu, các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan; cán bộ và các báo cáo viên từ Cục Bản quyền tác giả và báo cáo viên từ Bộ Công Thương.

           Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe và cùng thảo luận về4 chuyên đề: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên thái Bình Dương (Hiệp đinh CPTPP) – cơ hội và thách thức; Các nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan trong Hiệp định CPTPP và Kế hoạch thực hiện; Tổng quan về hệ thống pháp luật – quản lý – thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam; Tình hình triển khai thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả phát biểu khai mạc Hội nghị

           Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ ngày 14/01/2019 đối với Việt Nam. Các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan trong Hiệp định có ý nghĩa rất quan trọng trong bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam. Hội nghị được tổ chức nhằm tập huấn, phổ biến các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan trong Hiệp định CPTPP và pháp luật Việt Nam để các cơ quan quản lý, thực thi, cùng trao đổi nhằm bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan có hiệu quả; đồng thời, bảo đảm thực thi đúng các cam kết quốc tế và khuyến khích hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật, khoa học, góp phần thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của đất nước.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Bộ Công Thương thuyết trình tại Hội nghị

           Thuyết trình về Hiệp định CPTPP, cơ hội và thách thức đối với Việt Nam, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Bộ Công Thương đã khái quát tổng quan về Hiệp định CPTPP, sự khác nhau giữa Hiệp định CPTPP và TPP, cam kết của Việt Nam trong Hiệp định CPTPP và cam kết của một số nước CPTPP dành cho Việt Nam, cơ hội và thách thức đối với Việt Nam và một số khuyến nghị khi tham gia CPTPP. Ông Ngô Chung Khanh khẳng định, tham gia Hiệp định CPTPP mang đến nhiều cơ hội song cũng mang đến nhiều thách thức đặt ra đối với Việt Nam. Theo đó, tham gia CPTPP sẽ cải cách thể chế, thay đổi tư duy xây dựng luật và thực thi luật ở cả cấp trung ương và địa phương; tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư có hàm lượng công nghệ cao nhằm nâng tầm kinh tế Việt Nam; các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu; thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, giành lại thị trường trong nước và tăng trưởng xuất khẩu từ các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư để sản xuất hàng xuất khẩu. Chính vì vậy, Việt Nam khi tham gia CPTPP cần sớm chuẩn bị ngay các điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón nhận và thực thi CPTPP, cần tìm hiểu kỹ về cam kết của Việt Nam để thực thi chính xác, hiệu quả, doanh nghiệp cần hiểu rõ cam kết của các nước để tiếp cận thị trường thuận lợi.

Hội thảo thu hút đông đảo các đại biểu tham dự

           Các nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan trong Hiệp định CPTPP là một trong những nội dung được quan tâm nhất tại Hội nghị. Theo đó, các nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan trong CPTPP bao gồm: các quy định về tiêu chuẩn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan (11 điều), các quy định về thực thi quyền tác giả, quyền liên quan, các điều khoản được tạm hoãn thi hành trong Hiệp định CPTPP và các điều khoản có thời gian chuyển tiếp. Tại bài thuyết trình, ông Phạm Thanh Tùng, Trưởng phòng Thông tin và Hợp tác quốc tế, Cục Bản quyền tác giả cho biết kế hoạch thực hiện Hiện định CPTPP trong thời gian tới, Việt Nam sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung pháp luật trong đó có luật sửa đổi, bổ sung Luật SHTT phần quyền tác giả, quyền liên quan và gia nhập hai Hiệp ước quốc tế của WIPO: Hiệp ước của WIPO về quyền tác giả (WCT) và Hiệp ước của WIPO về biểu diễn và bản ghi âm (WPPT). Nhằm thực thi Hiệp định CPTPP, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 24/01/2019 về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định. Trên cơ sở đó, Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 701/QĐ- BVHTTDL ngày 28/02/2019 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về việc triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP của Bộ; trong đó quy định rõ việc tuyên truyền, phổ biến; rà soát, sửa đổi, bổ sung pháp luật; xây dựng hệ thống phát hiện, xử lý vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số.

            Tại Hội thảo, ông Quản Tuấn An, Trưởng phòng Quản lý quyền tác giả, quyền liên quan, Cục Bản quyền tác giả đã giới thiệu khái quát hệ thống pháp luật, quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam. Theo ông Quản Tuấn An, về hệ thống pháp luật cần bổ sung, điều chỉnh kịp thời các quan hệ pháp luật mới, phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế, tham gia các điều ước song phương và đa phương; về hệ thống quản lý cần kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường giám sát, quản lý, áp dụng chính phủ điện tử; về hệ thống thực thi cần tăng cường năng lực, mở rộng địa bàn và phối hợp với các cơ quan quản lý chuyên môn.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, ông Bùi Nguyên Hùng nhấn mạnh, để thực thi hiệu quả Hiệp định CPTPP, chúng ta cần thấy rõ mình đang ở đâu, thời gian tới cần làm những gì, công tác thực thi Hiệp định và các văn bản pháp luật liên quan đã có gì, thiếu những gì, đặc biệt có gì đáng lo ngại và đội ngũ thực thi về pháp luật đã hoàn chỉnh để đúng trong sân chơi của CPTPP? Ông Bùi Nguyên Hùng cho biết Cục Bản quyền tác giả sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, tách luật bản quyền tác giả phù hợp với thông lệ quốc tế, gia nhập hai Hiệp ước quốc tế của WIPO: WCT và WPPT. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền, phổ biến các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan; đào tạo và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ thực thi, đẩy mạnh xét xử, xử lý xâm phạm đặc biệt là tại tòa án, ứng dụng công nghệ thông tin vào việc phát hiện xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.

            Bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đang được quan tâm và chú trọng tại Việt Nam. Đó là một lĩnh vực rất quan trọng nhằm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Chỉ khi quyền tác giả được bảo hộ thì các lĩnh vực văn hóa, sáng tạo mới được duy trì như một ngành công nghiệp mang đến quyền lợi cho các nghệ sĩ và giới sáng tạo, chủ thể quyền. Từ đó sẽ thúc đẩy sự đa dạng văn hóa và công nghiệp sáng tạo. Hội nghị tập huấn phổ biến các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan trong Hiệp định CPTPP và pháp luật Việt Nam có ý nghĩa thiết thực trong việc trao đổi kinh nghiệm khi Việt Nam tham gia Hiệp định. Đây là cơ hội tốt để việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng thiết thực, hiệu quả và đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của quốc gia.

Lê Hương

img