Chủ Nhật, 08-01-2023 01:33
img

Hội nghị hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan

Ngày 24/02/2017, tại Hà Nội, Cục Bản quyền tác giả Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịchtổ chức Hội nghị hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan (tổ chức đại diện tập thể). Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có ông Vương Duy Biên – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hội nghị có sự tham dự của đại diện Vụ các tổ chức phi chính phủ Bộ Nội vụ, Cục An ninh văn hóa, thông tin và truyền thông (A87) Bộ Công an; một số Cục, Vụ thuộc Bộ Văn hóa, Thế thao và Du lịch; đại diện các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, bao gồm: Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV), Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC), Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam (VIETRRO), Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA); Hội Điện ảnh Việt Nam và một số cơ quan thông tấn báo chí.

alt

Tại Hội nghị, các tổ chức đại diện tập thể báo cáo kết quả hoạt động, những thuận lợi, khó khăn và đề xuất, kiến nghị. Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) khẳng định có được thành công ngày hôm nay, bên cạnh những nỗ lực bền bỉ, không ngừng của tập thể cán bộ, VCPMC cũng đã nhận được sự hỗ trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng nhiều cơ quan quản lý nhà nước các cấp. Tính đến cuối năm 2016, VCPMC có 3.550 hội viên. Trọng tâm của VCPMC trong năm 2017 là việc đẩy mạnh hơn nữa công tác triển khai cấp phép thu và phân phối tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc, song song với việc phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền lien quan.

Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV), trong năm qua, tuy gặp nhiều khó khăn do nguồn thu giảm, nhưng bằng nỗ lực trách nhiệm của các thành viên Ban Chấp hành, sự chỉ đạo kịp thời của Chủ tịch Hiệp hội và được sự ủng hộ, hỗ trợ của các cơ quan quản lý của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ, hoạt động của RIAV đáp ứng được yêu cầu Ban Chấp hành đề ra. RIAV tuân thủ và nghiêm túc thực hiện quyền liên quan của mình khi sử dụng, chuyển giao quyền cho đối tác sử dụng khai thác các bản ghi thuộc quyền sở hữu của các hội viên ủy thác; đấu tranh trên cơ sở pháp lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền liên quan được các hội viên ủy quyền. Năm 2017, RIAV dự kiến mở rộng việc khai thác bản quyền bản ghi Audio trên YouTube; Mở rộng việc hợp tác với các Đơn vị sản xuất đầu máy Karaoke tạo mọi điều kiện thuận lợi cho họ hợp tác sử dụng bản quyền bản ghi thuộc quyền sở hữu khai thác trên đầu máy… RIAV cũng đề xuất gắn kết hoạt động giữa hai tổ chức đại diện tập thể quyền liên quan là RIAV và APPA (Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam) trong việc bảo vệ quyền và lợi ích chung cho Hội viên mình về quyền liên quan đến quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc, xác định rõ quyền liên quan các sản phẩm bản ghi tác phẩm âm nhạc trong quá trình hợp tác khai thác, sử dụng.

Hội bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA), sau một năm thành lập, đạt được kết quả nhất định về phát triển hội viên, kiện toàn tổ chức, xây dựng hoàn thiện Điều lệ, quy chế nội bộ…Năm 2017, Ban Chấp hành APPA dự kiến tập trung kiện toàn hệ thống tổ chức Hội; mở rộng quan hệ với các tổ chức quốc tế tương ứng, hợp tác với các tổ chức trong nước…

Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) đại diện cho 1.095 tác giả thành viên (Văn xuôi và Thơ) tính đến hết tháng 12/2016. Kho tác phẩm của VLCC hiện có 8.679 tác phẩm, trong đó có 485 sách cứng, 438 file mềm tác phẩm. VLCC đang cố gắng khắc phục khó khăn và mong muốn nhận được sự phối hợp, hỗ trợ từ Cục Bản quyền tác giả và các cơ quan chức năng. Cũng nhấn mạnh những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của mình, Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam (VIETRRO) khẳng định VIETRRO rất cần đến sự hỗ trợ về cơ chế cũng như tài chính của nhà nước để thực hiện được các mục tiêu nêu đề ra.

Đánh giá chung về hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể trong thời gian qua, ông Bùi Nguyên Hùng – Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả khẳng định: Các tổ chức đại diện tập thể ở nước ta đã thu được những kết quả đáng khích lệ, tạo niềm tin cho các hội viên ủy thác quyền, đồng thời góp phần đưa các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan được thi hành trong đời sống và được dư luận hoan nghênh. Các tổ chức đại diện tập thể đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai thực hiện các hoạt động phát triển hội viên; đàm phán cấp phép thu và phân phối tiền bản quyền khai thác, sử dụng; xây dựng trang web riêng, xây dựng phần mềm quản lý hệ thống hoặc cơ sở dữ liệu tác giả, chủ sở hữu, tác phẩm…

Bên cạnh đó, hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: phát triển hệ thống tổ chức đại diện ở Việt Nam chưa đầy đủ, chưa chuyên nghiệp; chưa thực hiện đầy đủ tính công khai, minh bạch trong hoạt động; việc đàm phán cấp phép, thu và phân phối tiền bản quyền đang gặp nhiều khó khăn, có lĩnh vực chưa triển khai được, ảnh hưởng đến niềm tin của hội viên; chưa có sự hợp tác, phối hợp giữa các tổ chức đại diện tập thể trong xử lý các vướng mắc xảy ra trong thực tiễn hoạt động hoặc trong lĩnh vực và phạm vi quản lý quyền có liên quan.

Để khắc phục tồn tại trên, Cục Bản quyền tác giả phối hợp với các cơ quan liên quan làm việc với các tổ chức đại diện tập thể gồm: VCPMC, RIAV và APPA xây dựng Chương trình phối hợp theo quy định tại Điều 35 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP ngày 21/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự và Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan. Ký kết Chương trình phối hợp là một giải pháp quan trọng, đột phá, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua liên quan đến thu và phân phối tiền bản quyền khi khai thác, sử dụng lại bản ghi âm, ghi hình dưới các hình thức phát sóng, tại các nhà hàng, karaoke, trên môi trường mạng internet…

alt

Ký kết Chương trình phối hợp

Để triển khai giải pháp trên, tại Hội nghị đã diễn ra Lễ ký kết Chương trình phối hợp giữa Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) và Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA).

          Thay mặt ba tổ chức ký chương trình phối hợp, Nhạc sĩ Phó Đức Phương – Giám đốc VCPMC khẳng định ký kết Chương trình phối hợp này thể hiện việc thực thi quyền tác giả, quyền liên quan đã tiến thêm một bước. Các tổ chức đại diện tập thể nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí và nhiệm vụ của mình trước hội viên, với mục tiêu văn minh, công bằng xã hội và vì sự phát triển. Quyền tác giả, quyền liên quan nếu không được bảo vệ xứng đáng thì sẽ triệt tiêu nguồn lực trí tuệ, triệt tiêu sáng tạo của xã hội.

alt

          Tại Hội nghị, đồng chí Thứ trưởng Vương Duy Biên nhấn mạnh: “Trong thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức đại diện tập thể hoạt động phù hợp với nhu cầu thực tiễn tại Việt Nam và thông lệ quốc tế, đề nghị:

1. Cục Bản quyền tác giả cùng với các Cục, Vụ liên quan:

– Xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó quy định về hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể trong năm 2017.

– Tiếp tục chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức đại diện tập thể hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của hội viên cũng như lợi ích của xã hội phù hợp với quy định pháp luật và Điều lệ.

2. Các tổ chức đại diện tập thể:

– Xây dựng hoàn thiện các văn bản, các Điều lệ, Quy chế nội bộ theo quy định của pháp luật; đảm bảo tính công khai, minh bạch trong thực hiện nhiệm vụ.

– Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho hội viên về các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan cũng như Điều lệ, chức năng, nhiệm vụ và tôn chỉ, mục đích; quyền, lợi ích và nghĩa vụ hợp pháp của các Hội viên.

– Tổ chức thực hiện có hiệu quả nội dung của Chương trình phối hợp.

Thứ trưởng cũng đánh giá cao nỗ lực của Cục Bản quyền tác giả đã chủ động phối hợp tổ chức hội nghị để các tổ chức đại diện tập thể báo cáo về kết quả hoạt động đã đạt được, những thuận lợi, khó khăn và tổ chức ký kết Chương trình phối hợp. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới trong hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể tại Việt Nam.

Thùy Linh COV

img