Chủ Nhật, 08-01-2023 01:34
img

Bức tranh toàn cảnh về hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan năm 2016

Công tác tuyên truyền nói chung, công tác tư tưởng nói riêng luôn giữ một vị trí quan trọng trong công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam. Nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến giáo dục được Cục Bản quyền tác giả xem như một vũ khí sắc bén trong sự nghiệp bảo hộ và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan. Nhiệm vụ này có vai trò rất quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW). Chính vì vậy, trong năm 2016, công tác tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật quyền tác giả, quyền liên quan được Cục Bản quyền tác giả hết sức quan tâm và đẩy mạnh.

Thực hiện Chương trình hợp tác về quyền tác giả, quyền liên quan giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản, ngày 28/2/2016, Cục Bản quyền tác giả Việt Nam phối hợp với Cục bản quyền tác giả Nhật Bản (JCO) tổ chức Hội thảo “Hệ thống tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan” tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo tập trung nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan (CMO), những thuận lợi, khó khăn và những thách thức đối với hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số, đặc biệt đối với hoạt động của các CMO tại Việt Nam và Nhật Bản. Đây là cơ hội để các CMO tại Việt Nam học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm về tổ chức, quản lý cũng như trao đổi, chia sẻ về thực tiễn hoạt động và những lĩnh vực có thể hợp tác trong môi trường số với các CMO Nhật Bản. Hội thảo “Hệ thống tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan” nằm trong chuỗi các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về quyền tác giả, quyền liên quan của Cục Bản quyền tác giả, là cầu nối giữa các CMO Việt Nam và CMO Nhật Bản, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan giữa Việt Nam và Nhật Bản.

alt

Ngày 25/02/2016, tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội thành lập Hội bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam nhiệm kỳ I (2016-2021). Thành lập theo Quyết định số 1813/QĐ-BNV ngày 01/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Hội bảo vệ quyền của Nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA) là tổ chức phi chính phủ, tổ chức và hoạt động theo Điều lệ Hội bảo vệ quyền của Nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (Quyết định số 671/QĐ-BNV ngày 14/4/2016 về việc phê duyệt Điều lệ Hội bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam).Hội bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam là tổ chức đại diện cho Người biểu diễn âm nhạc, là cầu nối giữa người nắm giữ quyền và người sử dụng, phục vụ lợi ích chủ sở hữu quyền, người sử dụng và lợi ích chung của xã hội. Sự ra đời của Hội bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam là một sự kiện lớn trong đời sống tinh thần của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc cả nước, phù hợp với nhu cầu thực tiễn trong nước và thông lệ quốc tế. Sự kiện này đánh dấu bước phát triển mới trong việc hoàn thiện hệ thống tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam, góp phần tăng cường bảo hộ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của người biểu diễn nói riêng và tất cả nghệ sĩ sáng tạo, chủ sở hữu quyền nói chung.

alt

Hàng năm, nhằm hưởng ứng ngày sở hữu trí tuệ thế giới 26/4, Cục Bản quyền tác giả đã tổ chức thực hiện các hoạt động có giá trị cao về tuyên truyền bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan. Đặc biệt trong năm 2016, lần đầu tiên một game show – một sân chơi bổ ích dành cho các bạn sinh viên được tiếp cận với bản quyền do Cục Bản quyền tác giả đầu tư tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của 3 trường Đại học: Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, trường Đại học Ngoại thương Hà Nội và trường Đại học Văn hóa. Game show đã để lại nhiều ấn tượng cho giới trẻ đặc biệt là các bạn sinh viên về việc tìm hiểu quyền tác giả, quyền liên quan.

alt

Trong khuôn khổChương trình hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc về quyền tác giả và quyền liên quan, ngày 02/6/2016, tại khách sạn Grand Plaza Hà Nội, Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Văn phòng đại diện Ủy ban Bản quyền tác giả Hàn Quốc tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức Diễn đàn Bản quyền tác giả Việt Nam- Hàn Quốc năm 2016. Đây là cơ hội tốt để Chương trình hợp tác giữa Bộ VHTTDL Việt Nam và Bộ VHTTDL Hàn Quốc trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng thiết thực, hiệu quả và đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của hai quốc gia.

alt

Thực thi quyền tác giả, quyền liên quan là một trong các hoạt động quan trọng của hệ thống các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan. Đến nay, tại Việt Nam đã có 5 tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan gồm Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam, Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam, Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam và Hội bảo vệ quyền của nghệ sỹ biểu diễn âm nhạc Việt Nam. Nhằm thúc đẩy việc quản lý quyền sao chép tác phẩm hiện nay tại Việt Nam, ngày 16/6/2016, tại thành phố Đà Nẵng, Cục Bản quyền tác giả phối hợp với Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam tổ chức Hội thảo với chủ đề Quản lý tập thể Quyền sao chép tác phẩm. Hội thảo nhấn mạnh các vấn đề về quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, vấn đề chuyển giao quyền, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, kết quả đạt được của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan của Việt Nam đạt được trong thời gian qua. Theo đó, hoạt động quản lý, thu, phân phối tiền nhuận bút, thù lao của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan của Việt Nam phải tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch, trên cơ sở lập thành văn bản thỏa thuận giữa tổ chức quản lý với người ủy quyền.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) là một việc làm cần thiết trước khi Việt Nam gia nhập WTO. Sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 1995 trong đó tái khẳng định những nguyên tắc cơ bản của quyền SHTT (Phần VI của Bộ luật) và ban hành Luật SHTT điều chỉnh tất cả các khía cạnh của quyền SHTT. Ngày 29 tháng 11 năm 2005, Quốc hội Khóa XI đã ban hành Luật Sở hữu trí tuệ (gồm VI phần, XVIII chương, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2006 và Luật SHTT sửa đổi, bổ sung năm 2009 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2010. Do vậy, hoàn toàn có thể khẳng định hệ thống pháp luật SHTT Việt Nam đã được dần hoàn thiện. Đây là luật chuyên ngành về SHTT đầu tiên ở Việt Nam, sự ra đời của Luật SHTT đã thay thế toàn bộ các Nghị định và văn bản pháp luật hướng dẫn về từng lĩnh vực trước đó. Luật SHTT cùng thống nhất và tập hợp các quy định về SHTT rải rác trong các văn bản trước đây thành một luật chung với sự phân định rõ ràng thành ba lĩnh vực: Quyền tác giả, quyền liên quan; sở hữu công nghiệp và giống cây trồng. Để tổng kết việc thi hành Luật SHTT về phần quyền tác giả, quyền liên quan trong 10 năm qua, ngày 18/8/2016, tại thành phố Huế, Cục Bản quyền tác giả đã tổ chức Hội nghị toàn quốc “Tổng kết 10 năm thi hành Luật SHTT về quyền tác giả, quyền liên quan”. Trong 10 năm qua, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã trình Chính phủ ban hành 06 Nghị định; ban hành theo thẩm quyền 02 Thông tư; phối hợp với các Bộ, ngành ban hành 05 Thông tư liên tịch về quyền tác giả, quyền liên quan. Về cơ bản các quy định pháp luật về QTG, QLQ đã đi vào cuộc sống, đóng vai trò tích cực thúc đẩy các hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật và khoa học. Các quy định pháp luật đã bảo vệ lợi ích hợp pháp của người sáng tạo, nhà sử dụng và công chúng hưởng thụ. Hệ thống cơ quan quản lý và thực thi về bảo hộ QTG, QLQ ở nước ta đã được hình thành và có những bước phát triển, góp phần đưa pháp luật QTG, QLQ vào đời sống. Tại Hội nghị, đa số ý kiến đại biểu kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật SHTT theo hướng xây dựng, ban hành Luật Bản quyền tác giả độc lập nhằm giải quyết các vướng mắc, khó khăn, bất cập và chồng chéo trong quá trình thi hành 10 năm vừa qua và phù hợp với thông lệ quốc tế.

alt

Ngày 26/10, tại Hà Nội, Cục Bản quyền tác giả phối hợp với Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ VHTT&DL) và Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức Hội thảo về “Hoạt động đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan – thực trạng và giải pháp”. Hội thảo tập trung thảo luận các chuyên đề: tổng quan về cơ sở pháp lý và hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam; tổng quan về cơ sở pháp lý và hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan tại Đan Mạch và kinh nghiệm của các nước trên thế giới; những khó khăn, thách thức trong hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan. Hội thảo là cơ hội tốt cho các nhà quản lý, các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan và các cơ quan, tổ chức có liên quan cùng các chuyên gia trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp cụ thể, để góp phần nâng cao năng lực của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan ở Việt Nam; đóng góp vào việc hoàn thiện pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan và triển khai thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam trong thời gian tới. 

alt

Thực hiện Chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, WIPO và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc đã phối hợp tổ chức Hội thảo Quốc gia về vai trò của quyền tác giả đối với sự phát triển văn hóa và kinh tế vào ngày 13/12/2016 tại Hà Nội và ngày 15/12/2016 tại TP. Hồ Chí Minh. Hội thảo Quốc gia về vai trò của quyền tác giả đối với sự phát triển văn hóa và kinh tếđã cung cấp các kinh nghiệm quý giá từ các quốc gia với nội dung hướng tới thực hiện có hiệu quả bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường số. Đây sẽ là cơ hội tốt để việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng thiết thực, hiệu quả và đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của quốc gia.

alt

Bên cạnh việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm về quyền tác giả, quyền liên quan, Cục Bản quyền tác giả còn thực hiện việc tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật quyền tác giả, quyền liên quan thông qua các kênh khác nhau như hợp tác với Đài truyền hình Việt Nam, các Báo Việt Nam thực hiện các phóng sự về quyền tác giả, quyền liên quan. Nhằm cung cấp đến bạn đọc các hoạt động của Cục, thông tin, văn bản pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan… Website Quyền tác giả Việt Nam (http://www.cov.gov.vn) là kênh thông tin quan trọng nhằm giúp bạn đọc tìm kiếm được các thông tin bổ ích về quyền tác giả, quyền liên quan.

Nhìn chung bức tranh về hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan năm 2016 của Cục Bản quyền tác giả đa màu sắc và có tầm ảnh hưởng lớn đến công chúng. Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan hiện nay. Chính vì vậy, Cục Bản quyền tác giả không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả các hình thức, biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, củng cố đội ngũ làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.

Lê Hương

img